Thông tin Chương trình đào tạo ngành Máy xây dựng

THÔNG TIN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Công nghệ kỹ thuật Cơ khí Máy xây dựng

1. Tên chương trình: Công nghệ kỹ thuật Cơ khí Máy xây dựng

                             (Construction  Mechanical Engineering  Technology)

2. Thời gian đào tạo: Hệ đại học 4 - 4.5 năm

3. Văn bằng tốt nghiệp: Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật cơ khí

4. Nhu cầu nguồn nhân lực:

Chiến lược phát triển ngành GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” và  “Giao thông vận tải Việt Nam phải phát triển đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp giao thông vận tải theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo thành mạng lưới giao thông vận tải hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết được các phương thức vận tải, đảm bảo giao lưu thông suốt, nhanh chóng, an toàn và thuận lợi trên phạm vi cả nước với trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, phục vụ mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực”…. “Đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện mạng lưới GTVT trong cả nước, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo: nhanh chóng, an toàn, tiện lợi.” (Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25 tháng 2 năm 2013 - điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030).

Qua khảo sát thực tiễn tại các cơ quan quản lý nhà nước; các doanh nghiệp vận tải và xây dựng; các đội thi công cơ giới, nhận thấy: Có nhiều đổi mới trong công nghệ thiết kế, tự động hóa trong công nghệ lắp ráp, chế tạo; các thiết bị mới trong công nghệ kiểm tra, kiểm định, chẩn đoán, bảo dưỡng và sửa chữa đã đạt tới trình độ khu vực và thế giới. Kết quả khảo sát cũng cho thấy nhu cầu nhân lực có kiến thức chuyên sâu; kỹ năng vận dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp; năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí nói chung và Công nghệ kỹ thuật cơ khí Máy xây dựng nói riêng tại các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành GTVT, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu là rất lớn.

Trước yêu cầu của thực tiễn sản xuất, Trường Đại học Công nghệ GTVT nói chung và Bộ môn Máy xây dựng nói riêng trong những năm qua liên tục cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ cán bộ giảng viên nhằm: nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín, thương hiệu của Nhà trường, tạo niềm tin cho người sử dụng sản phẩm được đào tạo và là động lực cho người học; đồng thời Nhà trường cũng coi đó như là một tiêu chí phấn đấu để đến năm 2020 Trường thực sự trở thành một trường đại học trọng điểm Quốc gia và giai đoạn 2021-2030 phát triển thành trường đại học đẳng cấp  khu vực và thế giới như Quyết định số  208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 3/2/2016.

5. Cơ hội nghề nghiệp và vị trí việc làm sau tốt nghiệp:

          Sau khi tốt nghiệp, Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật cơ khí (chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí Máy xây dựng) có thể đảm nhiệm những vị trí sau:

- Là cán bộ quản lý nhà nước hoặc các doanh nghiệp về lĩnh vực cơ khí nói chung và cơ khí ô tô, máy xây dựng nói riêng;

- Là cán bộ phụ trách kỹ thuật trong các đơn vị hoạt động về lĩnh vưc ô tô, máy xây dựng và cơ khí chuyên dùng;

          - Giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo hoặc các viện nghiên cứu.

6. Đội ngũ giảng viên:

Đội ngũ giảng viên của Bộ môn Máy xây dựng có chuyên môn cao, 100% có trình độ sau đại học, có nhiều năm công tác và giảng dạy trong ngành Máy xây dựng, trong đó có 03 tiến sỹ, 06 ngiên cứu sinh và 03 thạc sỹ.

7. Cơ sở vật chất:

Cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có phục vụ cho quá trình đào tạo gồm:

+ Phòng học lý thuyết: Đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích và cơ sở vật chất phục vụ người học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

+ Phòng học thực hành gồm có:

          - Phòng Thực hành động cơ, diện tích 100 m2;

          - Phòng Thực hành gầm - điện máy xây dựng, diện tích 200 m2;

          - Phòng Thực hành gò - hàn - điện, diện tích 200 m2;

          - Phòng Thí nghiệm thủy lực - khí nén, diện tích 80 m2;

          - Phòng Thực hành máy gia công công nghệ cao (CNC);

          - Phòng Thực hành máy quét scan 3D;

          - Phòng Thực hành đo độ rung, ồn thiết bị cơ khí.

          - Phòng thực hành thí nghiệm thiết bị gia công áp lực